Phân lớp chiếu sáng chính là phương pháp thiết kế ánh sáng cơ bản nhất để có một không gian hoàn hảo về mặt thẩm mỹ cũng như đáp ứng các nhu cầu sử dụng. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý khách hàng hiểu hơn về phương thức thiết kế chiếu sáng cơ bản này.
Một căn phòng có ánh sáng đẹp sẽ cần nhiều hơn một nguồn sáng. Tìm hiểu về cách phân lớp ánh sáng hoặc tạo ra những lớp ánh sáng song song trong bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được không gian với ánh sáng hoàn hảo.
Các nhà thiết kế nội thất luôn đưa ra 2 yêu cầu với ánh sáng đó là tính thiết thực và tính thẩm mỹ. Trên thực tế phần lớn ánh sáng của một căn phòng đều đến từ nguồn sáng đơn lẻ, hiếm khi có sự phân lớp ánh sáng một cách bài bản.
Nguyên tắc đầu tiên để phân lớp ánh sáng là việc xác định các lớp chiếu sáng chính và phụ. Lớp chiếu sáng chính là ánh sáng chung có nhiệm vụ cung cấp ánh sáng tổng thể cho toàn bộ không gian. Lớp chiếu sáng phụ là ánh sáng điểm nhấn và ánh sáng chức năng, 2 lớp ánh sáng này có tác dụng cung cấp ánh sáng cho công việc cụ thể hoặc để trang trí tạo điểm nhấn cho không gian.
Khi xem xét tương ứng với từng không gian cụ thể trong gia đình ta sẽ thấy:
+ Phòng khách là không gian sinh hoạt chung và là khu vực tiếp khách của gia đình. Vì vậy không gian này chắc chắn sẽ cần lớp ánh sáng chính là chiếu sáng chung và lớp ánh sáng phụ là chiếu sáng điểm nhấn cho những vị trí để đồ trang trí nội thất.
+ Phòng bếp là không gian riêng biệt cần cả hai lớp ánh sáng chính và phụ. Chiếu sáng chung cung cấp ánh sáng cho cả gian bếp, còn chiếu sáng chức năng (nhiệm vụ) cung cấp ánh sáng cho khu vực làm bếp, sơ chế và chế biến thực phẩm.
+ Phòng ngủ là không gian chỉ cần lớp chiếu sáng phụ, có thể là ánh sáng nhiệm vụ từ đèn đọc sách hoặc ánh sáng điểm nhấn từ đèn ngủ.
Dù ở không gian nào việc lựa chọn ánh sáng phù hợp cần được xem xét cẩn thận từ mục đích sử dụng ánh sáng đến tần suất sử dụng thường xuyên hay không thường xuyên.
Khi tạo bố cục ánh sáng phân lớp, hãy tập trung vào ba nhóm chiếu sáng chính là ánh sáng xung quanh, ánh sáng nhiệm vụ và ánh sáng điểm nhấn. Tuy nhiên lớp ánh sáng cơ bản, nền tảng nhất là ánh sáng xung quanh để cung cấp nguồn sáng chính cho phòng hoặc không gian. Lớp ánh sáng xung quanh cung cấp ánh sáng nền cho căn phòng, yêu cầu tối thiểu là giúp cho việc di chuyển và các hoạt động chung trong căn phòng được dễ dàng. Nguồn sáng xung quanh thường được cung cấp bởi đèn trần hoặc đèn chiếu sáng âm tường. Các loại đèn như đèn led âm trần, ốp trần hoặc tuýp led sẽ cung cấp ánh sáng xung quanh tốt nhất.
Khi thiết kế chiếu sáng xung quanh hãy nhớ bố trí công tác đèn gần với cửa ra vào căn phòng nhất. Vì không ai muốn bước chân vào một căn phòng tối và mò mẫm tìm công tác bật đèn. Ánh sáng xung quanh không cần quá sáng nhưng phải đủ để người dùng có thể nhìn thấy toàn bộ không gian.
Lớp chiếu sáng nhiệm vụ hay còn gọi là chiếu sáng công việc, chiếu sáng chức năng. Về bản chất, lớp chiếu sáng này có tần suất hoạt động thấp hơn chiếu sáng chung, nhưng lại là lớp chiếu sáng hoàn toàn cần thiết. Đặc biệt với các không gian như phòng bếp, phòng đọc sách. Vì vậy xét trên sơ đồ chiếu sáng thì ánh sáng chức năng cũng nằm ở vị trí quan trọng thứ 2.
Lớp chiếu sáng này có chức năng định hướng ánh sáng, chiếu nguồn sáng vào một khu vực cố định thay vì toàn bộ không gian. Đó có thể là chiếc đèn đọc sách, đèn làm việc hay đèn được lắp âm dưới tủ bếp - cung cấp ánh sáng cho khu vực nấu nướng.
Đặc thù của lớp chiếu sáng nhiệm vụ là đèn không được lắp đặt cố định mà khá linh hoạt trong vị trí lắp đặt. Ví dụ như đèn học/ đọc sách, bạn có thể di chuyển chúng theo từng vị trí mà bạn thích ngồi làm việc hay đọc sách trong nhà. Ngoài ra chiếu sáng công việc còn có thể là đèn tường, đèn âm tủ bếp… yêu cầu với những loại đèn này là ánh sáng mà chúng phát ra phải được kiểm soát để cung cấp đầy đủ cho khu vực làm việc mà không quá rực rỡ hay chói mắt.
Chọn chiếu sáng điểm nhấn được xem là phần thú vị nhất của bất kỳ thiết kế phân lớp chiếu sáng nào. Khi ánh sáng xung quanh và ánh sáng nhiệm vụ đã có sẵn, tất cả những gì bạn cần làm là thiết lập nguồn chiếu sáng trang trí để thu hút sự chú ý của mọi người vào những vị trí cụ thể. Vị trí đó có thể là nét đặc sắc về kiến trúc của căn phòng hoặc cũng có thể là một tác phẩm điêu khắc trưng bày hay một bức tranh treo tường… Ngoài ra chiếu sáng điểm nhấn còn có một tác dụng mà ít người chú ý đến đó là chúng sẽ tạo chiều sâu cho không gian, gia tăng tính thẩm mỹ cho không gian.
Khác với chiếu sáng xung quanh và chiếu sáng nhiệm vụ, chiếu sáng điểm nhấn mang tính chủ quan, phụ thuộc vào sở thích cá nhân và con mắt thẩm mỹ của mỗi người. Loại đèn được sử dụng cho lớp chiếu sáng này thường là đèn tường, đèn dây led, mắt led âm trần hoặc đèn spotlight. Tùy vào đối tượng cần tạo điểm nhấn mà gia chủ sẽ chọn loại đèn phù hợp.
Kết hợp với đèn chiếu sáng xung quanh và đèn chiếu sáng nhiệm vụ, hệ thống chiếu sáng điểm nhấn sẽ giúp hoàn thiện việc phân lớp chiếu sáng cho nội thất.
Chúng tôi phân phối đa dạng các loại đèn LED thuộc cả 3 lớp chiếu sáng trên. Nếu bạn có nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm vui lòng liên hệ với chúng tôi qua hotline để nhận được tư vấn chi tiết miễn phí.