Ánh sáng trực tiếp và ánh sáng gián tiếp là hai kiểu ánh sáng cơ bản trong chiếu sáng dân dụng cũng như chiếu sáng thương mại, công nghiệp. Cùng tìm hiểu về chúng trong bài viết dưới đây.
Hai thuật ngữ chiếu sáng trực tiếp và chiếu sáng gián tiếp là hai khái niệm chiếu sáng phổ biến trong vài năm trở lại đây. Người tiêu dùng thường đặt câu hỏi chúng là gì? Tầm quan trọng của chúng với chiếu sáng dân dụng cũng như chiếu sáng thương mại ra sao? Làm thế nào để phân biệt ánh sáng trực tiếp và ánh sáng gián tiếp? Và không gian nhà bạn sẽ được chiếu sáng nhờ loại ánh sáng nào? Tất cả những thắc mắc này sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Ánh sáng trực tiếp là kiểu ánh sáng được cung cấp từ một nguồn mà không có sự phản chiếu từ các bề mặt khác. Hiểu một cách đơn giản là ánh sáng đi trên một đường thẳng từ bóng đèn chiếu sáng đến một vật hoặc khu vực cụ thể cần chiếu sáng. Ánh sáng trực tiếp được tạo ra từ một bóng đèn cố định và chúng sẽ tạo ra sự tương phản rõ nét giữa ánh sáng và bóng tối. Ví dụ chiếu sáng trực tiếp: Đèn bàn (đèn học) hoặc bóng đèn lắp trong phòng tắm, bếp nấu gia đình.
Ánh sáng trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc chiếu sáng chức năng (chiếu sáng công việc). Trong chiếu sáng thương mại, ánh sáng trực tiếp được sử dụng cho các văn phòng, trường học, bệnh viện. Còn với chiếu sáng dân dụng, kiểu ánh sáng này được sử dụng tại phòng làm việc, bếp nấu và phòng tắm. Ánh sáng được chiếu sáng trực tiếp sẽ tăng cường khả năng hiển thị và tập trung chính xác đến vị trí cần thiết.
Như đã nói ở trên, ánh sáng trực tiếp cực kỳ phù hợp với chiếu sáng chức năng. Kiểu ánh sáng này sẽ giúp cho công việc của chúng ta diễn ra thuận lợi hơn. Hãy tưởng tượng bạn đọc sách, nấu nướng trong tình trạng thiếu ánh sáng thì mọi việc sẽ bất tiện thế nào? Đây là lý do mà ánh sáng trực tiếp rất quan trọng ở những không gian như bếp nấu, phòng tắm, bàn đọc sách.
Ở nhà bếp, đèn chiếu sáng thường được lắp phía dưới tủ bếp để ánh sáng có thể chiếu trực tiếp xuống kệ bếp - nơi chúng ta sơ chế nguyên liệu và nấu nướng. Còn với phòng tắm, đây là không gian dễ bị gia chủ bỏ bê nhất khi thiết kế chiếu sáng. Bóng đèn không thích hợp hoặc ánh sáng thiếu định hướng đều là sai lầm khiến cho phòng tắm tối tăm và chật chội.
Mặc dù vậy ánh sáng trực tiếp không chỉ phục vụ chiếu sáng chức năng, nó còn được sử dụng trong chiếu sáng điểm nhấn. Trong các bảo tàng, phòng trưng bày nghệ thuật, showroom đồ trang sức thường sử dụng bóng đèn chiếu sáng trực tiếp để tăng cường và tập trung sự chú ý của người xem vào một sản phẩm nhất định. Trong gia đình, chiếu sáng trực tiếp có thể dùng để tạo ánh sáng điểm nhấn cho các đồ trang trí nội thất tại phòng khách, ví dụ: đèn led rọi thanh ray cho tranh, tượng điêu khắc, kệ sách...
Ánh sáng được tạo ra nhờ sự phản chiếu từ nguồn sáng lên bề mặt khác thì được gọi là ánh sáng gián tiếp. Bạn có thể hình dung đơn giản, ánh sáng mặt trời được phản chiếu qua cửa sổ để chiếu vào không gian nhà bạn thì được gọi là ánh sáng gián tiếp. Trong thiết kế đèn chiếu sáng, các bóng đèn được treo trên trần nhà hoặc tường nhà để cung cấp ánh sáng dịu nhẹ cho cả căn phòng chính là ánh sáng gián tiếp. Ánh sáng gián tiếp tạo ra sự hài hòa, mềm mại ngay cả khi không có sự tương phản rõ nét giữa ánh sáng và bóng tối.
Ánh sáng gián tiếp được sử dụng để tạo ra chiếu sáng xung quanh (chiếu sáng chung). Nó có thể giúp cân bằng chiếu sáng trực tiếp trong các không gian chung. Thay vì thêm nhiều nguồn sáng trực tiếp, chiếu sáng gián tiếp là phương pháp tốt nhất để thêm nhiều ánh sáng vào không gian mà không tạo ra sự tương phản sắc nét giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng gián tiếp là kiểu chiếu sáng cần thiết với mỗi căn phòng, sự mềm mại, hài hòa từ chúng sẽ làm cho không gian nhẹ nhàng và ấm áp. Trong môi trường công việc như văn phòng, nhà trường, bệnh viện thì ánh sáng gián tiếp giúp duy trì sự tập trung và hiệu quả công việc suốt cả ngày.
Ánh sáng gián tiếp được tạo ra theo nhiều cách, đó có thể là cái dải đèn led dây được lắp trong khe trần thạch cao hoặc gờ tường thiết kế sẵn. Trong phòng tắm hoặc phòng bếp, dải led dây có thể được lắp đặt quanh gương phòng tắm hoặc tủ đồ để khi đèn hoạt động, ánh sáng sẽ phản chiếu lên tường nhà hoặc gương. Với phòng khách, một bóng đèn lắp trên trần nhà cung cấp chiếu sáng theo mọi hướng thì ánh sáng của nó sẽ được phản chiếu bởi trần nhà, tường nhà.
Một không gian sử dụng hỗn hợp cả hai kiểu chiếu sáng trực tiếp và gián tiếp sẽ tạo ra sự tương phản rõ ràng giữa sáng và tối. Ngoài ra sự kết hợp này còn tăng thêm tính đa dụng cho không gian sống của chúng ta. Nếu một phòng khách chỉ có chiếu sáng gián tiếp sẽ tạo ra ánh sáng hài hòa, dịu nhẹ cho cả không gian nhưng nếu bạn muốn tận dụng phòng khách để đọc sách hay làm việc thì không thể. Thiếu ánh sáng trực tiếp không gian sẽ không có sự sống động và nhiều hoạt động cũng bất tiện hơn. Còn thiếu ánh sáng gián tiếp sẽ khiến căn phòng trở nên nặng nề, ngột ngạt. Như vậy để bất kỳ không gian nào trở nên đa năng, linh hoạt và thuận tiện cho sinh hoạt thì gia chủ nên trang bị cả ánh sáng trực tiếp và gián tiếp. Sự kết hợp hai kiểu chiếu sáng này còn làm không gian trở nên sống động, thú vị và thoải mái hơn.